Tôi vừa mua 1 ngôi nhà gắn liền với mảnh đất diện tích 60m2, diện tích xây dựng là là 40m2, kết cấu tường gạch, mái tôn.
Tôi vừa mua 1 ngôi nhà gắn liền với mảnh đất diện tích 60m2, diện tích xây dựng là là 40m2, kết cấu tường gạch, mái tôn. Hiện tôi đã xin giấy phép sửa chữa là nâng nền và cất mái, được phường cấp giấy phép sửa chữa. Tuy nhiên trong quá trình sửa phát sinh chủ đất nhà kế bên ngăn cản, không cho sửa phần mái trước nhà vì cho rằng, phần mái đó trước kia là đất của họ, cộng thêm một phần đất phía trước, trước kia họ cho chủ cũ nhờ để đậu xe.
Vậy tôi đang sửa nhà như vậy mà có đơn gửi tranh chấp thì có được tiếp tục sửa chữa theo giấy phép đã xin trước đó không? Tôi có được tiếp tục sửa phần mái tôn đó không hay phải tạm ngưng để giải quyết tranh chấp?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Chứng minh quyền sử dụng đất căn cứ theo Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo như thông tin bạn đưa ra như trên, chủ nhà đất kế bên cho rằng phần diện tích mái tôn và một phần diện tích đất phía trước hiện tại đang thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn trước kia là phần đất của họ. Cần xác định xem trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần diện tích mái tôn không, nếu có tranh chấp bạn có thể chứng minh phần diện tích đất đó thông qua các căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất: Bạn có thể chứng minh qua Hợp đồng chuyển nhượng đất. Trong trường hợp không có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thể chứng minh quyền sử dụng đất thông qua:
Hồ sơ địa chính được lưu tại ủy ban nhân dân cấp xã. Bạn có thể đề nghị Phòng đăng ký đất đai tại ủy ban nhân dân cấp xã trích lục hồ sơ địa chính (thông tin về chuyển quyền sử dụng đất, chủ sở hữu quyền sử dụng đất, quá trình sử dụng đất…)
Thứ hai: Sửa chữa nhà khi đang có tranh chấp
Theo quy định tại Luật Đất Đai tại Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Việc xây dựng cần đợi kết quả hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND xã phường. Nếu kết quả hoà giải thành thì căn cứ vào kết quả hoà giải để thực hiện.
Theo quy định nếu nhà đang tranh chấp với vụ việc đã được tòa án thụ lý giải quyết thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì nhà đang tranh chấp đó phải được giữ nguyên hiện trạng để chờ tòa giải quyết.
“Điều 122. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”
Trong trường hợp này, bạn sẽ phải tạm hoãn xây dựng, sửa chữa trên phần diện tích đất đang có tranh chấp.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo vietnamnet
Xem thêm: